Sau nhiều năm ghi nhận mức tăng trưởng hai chữ số, mức tăng trưởng năm nay của Ecuador đã chững lại với mức dự đoán chỉ khoảng từ 0 - 2% sau khi mức xuất khẩu tháng 9 giảm khoảng 11% so với cùng kỳ năm trước. Năm ngoái, quốc gia này vẫn duy trì được mức tăng trưởng hai chữ số ở mức 14%. Tuy nhiên, sang năm 2024, nhu cầu tiêu dùng hạn chế tại thị trường Trung Quốc đã kìm hãm đà tăng trưởng của ngành nuôi tôm tại Ecuador, đánh dấu một bước thay đổi chưa từng thấy cũng như một mốc thời điểm thực sự quan trọng trong quá trình phát triển ngành nuôi tôm tại đây. Thậm chí, nếu nhu cầu tại thị trường Trung Quốc tiếp tục giảm trong thời gian tới, bức tranh tổng thể ngành nuôi tôm Ecuador thậm chí còn bi quan hơn nữa trong năm 2025.
Mặc dù Trung Quốc đã công bố gói kích thích trị giá 10.000 tỷ nhân dân tệ, tương đương khoảng 1.400 tỷ USD trong chương trình kích thích tài khóa, tuy nhiên vẫn chưa có thông tin cụ thể về việc gói kích thích này sẽ được triển khai như thế nào và có tác động gì đến các con số của năm 2025.
Ở chiều hướng ngược lại, Brazil đang ngày càng phát triển ngành thủy sản nhờ sức tiêu thụ mạnh mẽ tại thị trường nội địa. Nuôi tôm và cá rô phi đang phát triển mạnh mẽ tại Brazil, trong khi quốc gia này cũng nhập khẩu ngày càng nhiều cá hồi. Nhờ sức phát triển tốt của nền kinh tế, sản lượng tôm Brazil cũng được kỳ vọng sẽ đạt mức tăng trưởng 10%. Với nhiều tiềm năng thuận lợi, Brazil luôn được kỳ vọng sẽ đạt được mức phát triển tốt trong tương lai.
Trong khi các công ty nuôi tôm của Venezuela vẫn duy trì được hoạt động tương đối tốt nhờ việc xuất khẩu sang các thị trường như Tây Ban Nha và Pháp thì các quốc gia khác tại Mỹ Latinh như Mexico, Peru, Honduras hay Guatemala đang phải vật lộn với tình trạng giá tôm sụt giảm trong thời gian qua. Ngành nuôi tôm đang trở thành cuộc chơi theo quy mô và các doanh nghiệp nhỏ thực sự rất khó để có thể cạnh tranh và tồn tại khi giá tôm liên tục duy trì ở mức thấp như hiện nay.
Các nhà sản xuất tôm Châu Á cũng đã trải qua một năm 2024 đầy khó khăn. Theo một khảo sát của Liên minh Thủy sản Toàn cầu (GSA), sản lượng tôm của Ấn Độ năm 2023 đã giảm 4% và còn tiếp tục giảm 3% trong năm nay. Tuy nhiên, tín hiệu tích cực cho thấy sản lượng tôm Ấn Độ sẽ có thể phục hồi vào năm 2025. Dựa trên các số liệu xuất khẩu, có thể dự đoán mức xuất khẩu tôm của Ấn Độ có thể không thay đổi nhiều hoặc tăng nhẹ trong thời gian tới. GSA dự báo các số liệu về tôm của châu Á có thể giảm nhẹ trong cả hai năm 2023 và 2024.
Trong vài năm trở lại đây, đã có những dự đoán về việc quay trở lại sản xuất tôm sú ở châu Á và điều này đang ngày càng trở nên rõ rang. Sản lượng tôm sú ghi nhận mức tăng trưởng 3,2% vào năm 2023 và dự kiến tăng 9% trong năm 2024 và 7% năm 2025. Mặc dù việc áp dụng nuôi các giống mới có thể thả nuôi với mật độ cao hơn và đạt kích thước lớn hơn, giúp cho thu nhập tăng lên đang khuyến khích một bộ phận nông dân chuyển sang nuôi tôm sú, song trên thực tế, sản lượng tôm sú vẫn còn tương đối nhỏ, chỉ chiếm khoảng 10% tổng sản lượng tôm nuôi. Trong khi đó, tôm càng xanh chiếm khoảng 5% sản lượng tôm nuôi ghi nhận mức tăng trưởng đầy hứa hẹn trong những năm trước đây được dự báo có khả năng sẽ ghi nhận mức suy giảm trong cả năm nay và năm sau.
|
Nhìn vào kết quả tổng thể, 2024 là một năm tương đối kém của ngành tôm thế giới. Bức tranh toàn cảnh của ngành nuôi tôm tương đối ảm đạm và tiêu cực cho giai đoạn 2023 – 2024 tại cả 3 thị trường chính là Trung Quốc, Hoa Kỳ và Châu Âu. Tuy nhiên, thị trường Hoa Kỳ đã xuất hiện các dấu hiệu phục hồi. Trong vài tháng trở lại đây, các nhà xuất khẩu tôm sang thị trường Châu Âu và Bắc Mỹ đã chứng kiến một số cải thiện về giá và nhu cầu. Giá tôm đã bắt đầu giảm sau một thời gian dài bị các nhà bán lẻ giữ ở mức cao, lạm phát được kiểm soát tốt hơn và người tiêu dùng bắt đầu mua nhiều hơn. Nhờ vậy, triển vọng tại thị trường phương Tây trở nên tương đối khả quan, đồng nghĩa với các quốc gia và doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường này cũng được hưởng lợi theo.
Tuy vậy, nhu cầu của Trung Quốc yếu hơn nhiều so với dự kiến và điều này đi ngược lại xu hướng vẫn thường thấy khi sức tiêu thụ tôm của Trung Quốc thường tăng 5 – 7% mỗi năm. Do đó, các chuyên gia dự đoán rằng các nhà xuất khẩu tôm của Ecuador vốn vẫn tập trung chủ yếu vào thị trường Trung Quốc, giờ đây sẽ ngày càng hướng đến thị trường EU cũng như Hoa Kỳ nhờ phán quyết hủy bỏ thuế chống trợ cấp (CVD) của Hoa Kỳ đối với Santa Priscila, công ty tôm lớn nhất của Ecuador. Đây sẽ là một đòn giáng mạnh vào các quốc gia không chỉ có chi phí sản xuất cao mà còn phải chịu thế chống trợ cấp CVD như Ấn Độ và Indonesia.
Hương Trà (theo thefishsite)